Báo cáo chuyên đề ““Cung cấp thông tin, nhận diện và giúp người học phòng ngừa các rủi ro trong quá trình học tập, sinh hoạt”
Ngày Đăng: 2021-04-17 19:30:09

Những năm gần đây, các cảnh báo phòng ngừa rơi vào bẫy lừa đảo luôn là vấn đề nổi cộm, và có chiều hướng gia tăng cả về số lượng và phương thức. Những hoạt động trá hình, núp bóng kinh doanh hoạt động theo phương thức đa cấp; các bẫy lừa mới của người cho thuê trọ; các chiêu trò của một số “nhà tuyển dụng” giăng bẫy người đi tìm việc sẵn sàng trục lợi,…. Vậy làm thế nào để giúp sinh viên nhận diện để phòng ngừa rủi ro trong quá trình học tập và sinh hoạt. Đó là nội dung của buổi báo cáo chuyên đề “Cung cấp thông tin, nhận diện và giúp người học phòng ngừa các rủi ro trong quá trình học tập, sinh hoạt” do Phòng Công tác sinh viên phối hợp với Đoàn trường và Hội sinh viên trường tổ chức vào ngày 17/4/2021 tại Hội Trường lầu 4, cơ sở 371 Nguyễn Kiệm, Quận Gò Vấp.

Báo cáo chuyên đề với sự tham gia của các đồng chí Bí thư, Phó Bí thư, Ủy viên Ban Thường vụ, Ủy viên Ban Chấp Hành Đoàn Khoa, Các đồng chí Liên Chi Hội trưởng, Liên Chi Hội phó, Ủy viên Ban Thư ký, Ủy viên Ban Chấp Hành Liên Chi Hội Khoa và cùng các đồng chí nằm trong Ban chấp hành Chi Đoàn – Chi Hội các khoa, cùng hơn 200 cán bộ Đoàn – Hội cùng tham dự.

Toàn cảnh buối báo cáo chuyên đề ngày 17/4/2021.

 

Hơn 200 cán bộ Đoàn – Hội chủ chốt tham dự buổi báo cáo chuyên đề

 

Chuyên đề đầu tiên do Thạc sĩ tâm lý Đỗ Văn Sự – Phó Viện Trưởng, Viện đào tạo nhân lực và hợp tác quốc tế báo cáo về chủ đề “Nhận diện, cảnh báo các loại hình đa cấp bất chính và các hình thức lừa đảo hiện nay”. Qua chuyên đề, các bạn sinh viên được chia sẻ về các hình thức lừa đảo trên mạng xã hội, những cảnh báo, lời khuyên từ báo cáo viên để nhận diện và phòng, tránh được các nguy cơ bị lừa đảo.

Thạc sĩ tâm lý Đỗ Văn Sự – Phó Viện Trưởng – Viện đào tạo nhân lực và hợp tác quốc tế báo cáo chuyên đề.

 

“Thông tin về các rủi ro về việc làm “ma”, nhò trọ “ma”, khóa học “ma” là chủ đề của chuyên đề 2 do Thạc sĩ Nguyễn Lê Minh Long – Giám đốc Trung tâm hướng nghiệp – Tư vấn việc làm, Trường Đại học Mở TPHCM báo cáo. ThS Minh Long thông tin về những chiêu trò lừa đảo của các tổ chức, cá nhân, các đối tượng xấu dựng lên thông qua các khóa học, cung cấp dịch vụ giáo dục để trục lợi và các hình thức lừa gạt từ việc làm và nhà trọ của sinh viên.

Thạc sĩ Nguyễn Lê Minh Long – Giám đốc Trung tâm hướng nghiệp – Tư vấn việc làm báo cáo chuyên đề

 

Tại buổi báo cáo, đồng chí Trần Văn Trí – Bí thư Đoàn Trường, đại diện Ban Thường vụ Đoàn Trường – Ban Thư Ký Hội Sinh viên trường báo cáo về tình hình nắm bắt dư luận và định hướng dư luận sinh viên liên quan đến các vấn đề rủi ro phát sinh trong quá trình học tập của sinh viên.

Đồng chí Trần Văn Trí trao đổi tình hình nắm bắt dư luận sinh viên cho cán bộ Đoàn – Hội các cấp.

 

Trong phần giao lưu, nhiều câu hỏi đã được đặt ra với báo cáo viên. Qua những nỗi lo lắng của các sinh viên, bên cạnh những giải đáp, các báo cáo viên cũng đưa ra những lời khuyên bổ ích cho sinh viên tham dự. Đó là hãy dành thời gian tìm hiểu về nơi mà mình muốn ứng tuyển công việc, xác định cụ thể địa chỉ nơi mình làm việc, người đứng đầu doanh nghiệp, tình hình hoạt động của doanh nghiệp đó như thế nào,… Đồng thời, sinh viên cũng cần cân nhắc những lời “có cánh” hứa hẹn quen thuộc như: “không đòi hỏi kinh nghiệm”, “việc nhẹ lương cao”, hay “chỉ cần 2 đến 3 tiếng trên Zalo, Facebook mỗi ngày, bạn sẽ kiếm được một khoản tiền lớn”, “dễ làm nhanh giàu, không làm cũng giàu,.. Và tuyệt đối không tham gia vào những tổ chức có hoạt động trái quy định của pháp luật.

Các bạn cán bộ Đoàn – Hội chụp ảnh lưu niệm tại buổi báo cáo

 

Tin rằng, thông qua buổi báo cáo chuyên đề, ngoài kiến thức, sinh viên, đặc biệt là ở vai trò cán bộ Đoàn – Hội còn tự trang bị thêm cho chính mình những kỹ năng và bản lĩnh để bảo vệ bản thân, đồng thời hỗ trợ đồng hành cùng các bạn sinh viên trong vấn đề nhận diện, tránh sa vào những bẫy lừa đảo, để có môi trường học tập và sinh hoạt lành mạnh, an toàn./.