LỊCH SỬ ĐOÀN TRƯỜNG ĐẠI HỌC MỞ TP. HỒ CHÍ MINH

TÓM TẮT LỊCH SỬ

ĐOÀN TNCS HỒ CHÍ MINH

TRƯỜNG ĐẠI HỌC MỞ TP. HỒ CHÍ MINH

 

I. QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN:

18g30 ngày 10 tháng 04 năm 1996, Ban Chấp hành nhiệm kỳ lâm thời Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Đại Học Mở Bán Công TP. HCM đã ra mắt tại sân trường số 97 Võ Văn Tần, phường 6, Quận 3, Tp. Hồ Chí Minh theo nghị quyết số 02-NQ/TV.96 của Ban Thường Vụ Thành Đoàn Tp. Hồ Chí Minh, do đ/c Nguyễn Văn Đua – Bí thư Thành Đoàn ký.

Từ phương châm trong giai đoạn đầu thành lập “Phát triển phong trào để xây dựng tổ chức, ổn định tổ chức để nâng chất phong trào”, thực hiện nhiệm vụ “Phát triển các hoạt động hiện có trong Đoàn viên, Sinh viên, rà soát tình hình và thực lực Đoàn viên trong Sinh viên làm cơ sở tổ chức các Chi Đoàn phù hợp với các điều kiện sinh hoạt, học tập của Đoàn viên và phương thức đào tạo của nhà trường”, Đoàn trường đã không ngừng đẩy mạnh và nâng cao dần chất lượng các hoạt động, làm cơ sở tiến hành từng bước xây dựng tổ chức Đoàn trường ổn định và ngày càng vững chắc. Chỉ với số lượng 700 Đoàn viên trong giai đoạn lâm thời, sau 04 năm hoạt động, đến năm 2000 số lượng Đoàn viên của trường đã đạt được 1.700 Đoàn viên với 08 Chi Đoàn Cơ sở (trong đó có 01 Chi Đoàn Giảng viên – Cán bộ Nhân viên).

Ngày 18 tháng 04 năm 2000 Ban Thường vụ Thành Đoàn ký quyết định số 21-QĐ/TC.2000 quyết định nâng cấp Đoàn trường từ Đoàn Cơ sở thành Đoàn tương đương cấp Quận. Đây là một cột mốc quan trọng đánh dấu sự phát triển và ổn định của Đoàn trường sau 04 năm thành lập. Bắt đầu từ năm 2001, đánh dấu nhiều bước biến đổi trong công tác xây dựng bộ máy tổ chức cơ sở hệ thống tổ chức Đoàn được kiện toàn hoàn chỉnh từ cấp trường đến cấp Chi Đoàn, số lượng Đoàn viên ngày càng tăng, đến năm học 2011 – 2012 số lượng Đoàn viên đã đạt 14649 Đoàn viên với 310 Chi Đoàn và 14 Đoàn cơ sở trực thuộc ( bao gồm 01 Chi Đoàn cơ sở cán bộ viên chức, 01 Liên chi Đoàn Trung cấp chuyên nghiệp, 01 Liên chi Đoàn giảng viên và 11 Đoàn cơ sở khoa).

II. NHÂN SỰ QUA CÁC THỜI KỲ:

III. NHỮNG NÉT TIÊU BIỂU:

   Thực hiện đúng phương châm và nhiệm vụ đặt ra ban đầu, quá trình xây dựng và ổn định hệ thống tổ chức đã được thực hiện trên cơ sở đẩy mạnh và từng bước nâng chất các hoạt động phong trào. Ngay từ giai đoạn đầu thành lập, Đoàn trường đã xác định phải tích cực đẩy mạnh các hoạt động ngoại khoá, văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao...các hoạt động rèn luyện...nhằm thu hút sự quan tâm, khơi gợi sức sáng tạo và tinh thần xây dựng, cống hiến của Đoàn viên, Sinh viên. Qua đó, từng bước giúp cho Đoàn viên Sinh viên thấy được vai trò và ý nghĩa của tổ chức Đoàn trong quá trình học tập, rèn luyện của mình. Các Hội trại truyền thống, Hội thao, Hội diễn văn nghệ, những đợt hỗ trợ hoạt động với các đơn vị quân đội (Lữ Đoàn pháo binh 434, Trường Sĩ quan lục quân 2, Bộ đội biên phòng...) lần lượt ra đời đã thật sự là những sân chơi bổ ích thu hút được sự tham gia của Đoàn viên, Sinh viên. Hội thi “Sinh viên Thanh lịch” được tổ chức vào những năm 1998, 1999, 2000 có thể nói đã trở thành một sân chơi lớn thể hiện nét đẹp, nét riêng của Sinh viên Đại học Mở Tp.HCM. Bên cạnh đó, Đoàn trường cũng đã nỗ lực không ngừng trong việc xây dựng và tổ chức các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng, xây dựng nhà tình nghĩa, tình thương, các ngày tình nguyện tại các huyện xã còn điều kiện khó khăn của thành phố như Cần Giờ, Nhà Bè, Hóc Môn, Bình Chánh, các đợt hoạt động chào mừng những ngày lễ lớn...Tất cả những hoạt động đó, không những đã góp phần xây dựng Đoàn trường phát triển và ổn định, mà còn góp phần không nhỏ cùng với nhà trường xây dựng môi trường rèn luyện lành mạnh, hữu ích cho Đoàn viên Sinh viên trong những giai đoạn đầu hình thành, phát triển. Và cũng chính trong quá trình ấy, hoạt động của Đoàn trường dần đi vào ổn định, từng bước đầu tư mở rộng và nâng cao chất lượng các hoạt động, sự thành công của phong trào học tập nghiên cứu 06 bài lý luận chính trị và 10 chuyên đề về tư tưởng Hồ Chí Minh, cuộc vận động thực hiện phong trào “Y-T-P” (ý thức, trách nhiệm và phương pháp trong học tập, rèn luyện), khí thế sôi nổi của “Hành trình từ căn cứ đến bảo tàng”, chương trình Thắp sáng ước Mơ tuổi trẻ Việt Nam...cũng như kết quả đạt được qua 04 lần Hội thi “Olympic Mac – LêNin và Tư tưởng Hồ Chí Minh”...đã một lần nữa khẳng định vai trò của Đoàn trường trong việc cùng với nhà trường thực hiện nhiệm vụ giáo dục toàn diện cho Đoàn viên, Sinh viên, đặc biệt là giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống. Và còn nhiều, nhiều nữa các hoạt động đã làm nên sức sống của tuổi trẻ Đại học Mở Tp. HCM trong phong trào chung của tuổi trẻ Thành phố.  

   Bên cạnh đó, cùng với những hoạt động phong trào rèn luyện, việc đẩy mạnh chất lượng học tập, nghiên cứu khoa học cũng đã được thực hiện xuyên suốt qua các nhiệm kỳ của Đoàn trường. Xuất phát điểm bằng việc phát động phong trào học tập theo nhóm, cùng với việc đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ cho phong trào học tập như “Các buổi hội thảo về phương pháp học ở bậc Đại học, phương pháp nghiên cứu khoa học trong Sinh viên, Vận động thực hiện “Mùa thi nghiêm túc”, Cuộc thi “Tìm hiểu sách ở thư viện”... nhằm xây dựng dần ý thức tự học, khơi gợi tinh thần hỗ trợ lẫn nhau trong học tập , đã được sự hưởng ứng của đông đảo Đoàn viên, Sinh viên. Trên cơ sở đó, mô hình hoạt động của các Câu lạc bộ Học thuật đã dần được hình thành và từng bước phát triển. Năm 2001, hàng loạt các câu lạc bộ học thuật cấp trường, cấp khoa ra đời như: Câu lạc bộ The Sun (Khoa Ngoại Ngữ), Câu lạc bộ Truyền thông (Khoa Xã Hội Học), câu lạc bộ ASEAN (Khoa Đông Nam Á Học), Câu lạc bộ Tin học (Khoa Tin học), Câu lạc bộ Chuỗi xoắn kép (Khoa Công nghệ Sinh học)... đã thổi luồng không khí mới cho phong trào học tập trong Sinh viên, kể từ đó, các hoạt động chuyên đề về khoa học, các cuộc thi học thuật cuối tuần do các câu lạc bộ thực hiện đã dần thu hút được nhiều Sinh viên tham gia, tạo được nhiều sân chơi học tập bổ ích cho Đoàn viên Sinh viên. Năm 2003 đánh dấu một bước phát triển mạnh mẽ của hoạt động học tập với nhiều Hội thi lớn cấp khoa đã ra đời thu hút được hàng ngàn Đoàn viên: Cuộc thi “Nhà Công nghệ Sinh học trẻ”, Cuộc thi “Kiến thức Tin học phổ thông”, cuộc thi “Quả táo vàng”, Cuộc thi “Hùng biện Tiếng Anh không chuyên”. Tiếp đến những năm tiếp theo đó là các cuộc thi Chinh Phục Vàng, Tôi có thể Nghiên cứu khoa học, Vòng Quanh Đông Nam Á, Olympic Tiếng Anh không chuyên, Cuộc thi Hùng biện tiếng Anh, Cuộc thi tiếng hát tiếng Anh Rise Your Voice....Quá trình từ những hoạt động nhỏ mang tính chất đội nhóm cùng các hoạt động manh tính chất hỗ trợ: Hội thảo, báo cáo chuyên đề... đến việc tổ chức thành những sân chơi học thuật với quy mô lớn, sôi nổi hào hứng là sự nỗ lực hết mình của các thế hệ Cán bộ Đoàn, Đoàn viên Sinh viên, góp phần không nhỏ trong công tác nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị mà Đảng Ủy, Ban Giám hiệu nhà trường giao phó. Và hơn thế nữa, sự phát triển của phong trào học tập đã góp phần đưa phong trào nghiên cứu Khoa học trong Sinh viên của Đoàn trường đạt được những thành quả đáng khích lệ. Việc phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu khoa học trong Sinh viên là một trong những trăn trở lớn nhất của Đoàn trường qua các thời kỳ. Trong những năm đầu thành lập và những khoảng thời gian sau đó, việc triển khai vận động nghiên cứu khoa học trong Sinh viên gặp rất nhiều khó khăn, một mặt do đặc thù đầu vào của mô hình đào tạo “Mở”, một mặt do sự lúng túng của Đoàn trường trong việc tìm tòi cách thức và mô hình cho nhiệm vụ. Đến năm 2003, Hội thi “Ý tưởng và mô hình khoa học – The SIM” ra đời đã tạo được một khí thế mới trong phong trào nghiên cứu khoa học với 198 ý tưởng của Sinh viên tham gia, trong đó có 181 ý tưởng được hỗ trợ thành đề tài nghiên cứu khoa học hoàn chỉnh, năm học 2004 – 2005 vừa qua, cuộc thi cũng đã thu hút được 149 ý tưởng tham gia, và triển khai thành đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường (trong đó có 24 ý tưởng được triển khai thành đề tài tham gia Eureka cấp thành với 7 đề tài đoạt giải), năm học 2005 – 2006, đã có 104 đề tài tham gia, trong đó 04 đề tài đoạt giải thưởng cấp bộ, 17 đề tài đoạt giải thưởng Eureka cấp Thành phố. Năm 2009, được sự hỗ trợ của phòng Hợp tác và Quản lý khoa học nhà trường, với hơn 04 hội nghị nghiên cứu khoa học sinh viên được tổ chức, Phòng hợp tác và quản lý khoa học đã tham mưu Ban giám hiệu cho ra đời Quy chế nghiên cứu khoa học sinh viên đánh dấu bước phát triển nghiên cứu khoa học sinh viên thêm vượt bậc với nhiều đề tài đạt giải nhất, nhì, ba cấp bộ và Eureka.

   Nói đến quá trình phát triển của Đoàn trường, càng không thể không nhắc đến những dấu ấn của tuổi trẻ Đại học Mở Tp.HCM trong phong trào tình nguyện, mà đỉnh cao là Chiến dịch Tình nguyện Mùa Hè Xanh, thế nhưng đến hôm nay tuổi trẻ của trường đã tham gia 18 mùa Chiến dịch. Với 08 cột mốc chính:

  1. Mùa hè năm 1995, với Chiến dịch “Ánh sáng văn hoá hè”, sinh viên Đại học Mở Bán công Tp.HCM lần đầu tiên đã đặt chân đến vùng đất xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ, thực hiện công tác xoá mù chữ cho bà con vùng đất còn nghèo khó của Thành phố. CHiến dịch được duy trì trong suốt 07 năm liên tiếp.
  2. Năm 2000, 2001, 2002 được sự chấp thuận của Trung Ương Đoàn, Ban Thường vụ Thành Đoàn, tuổi trẻ Đại học Mở Bán công Tp.HCM hăng hái lên đường mở màn cho Chiến dịch Mùa Hè Xanh tại tuyến đường Trường Sơn lịch sử, chiến sĩ của trường đã hoà cùng lực lượng thanh niên xung phong tham gia vào nhiệm vụ xây dựng lại con đường Hồ Chí Minh huyền thoại, đồng thời thực hiện công tác dân vận, đem cái chữ, cái mới, áp dụng những kiến thức đã học được trên ghế nhà trường thực hiện những công trình thiết thực cho đồng bào dân tộc sống đọc theo tuyến đường.
  3. Năm 2002, 2003, 2004 thực hiện chủ trương của Thành phố, Chiến sĩ Đại học Mở Tp.HCM lại mở đầu cho một mặt trận mới với nhiều bỡ ngỡ và thử thách: Mặt trận các Trường, Trung tâm Cai nghiện.
  4. Năm 2003 thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành Đoàn, chiến sĩ Mùa Hè Xanh của trường triển khai chiến dịch với 05 nội dung lớn trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
  5. Năm 2004, 2005 chiến sĩ của trường lại có mặt tại địa bàn Tỉnh ĐăkNông vừa mới thành lập, còn nhiều khó khăn về chính trị kinh tế xã hội.
  6. Năm 2005, lần đầu tiên một đội hình chiến sĩ là Sinh viên Khoa Kỹ thuật và Công nghệ của trường lại có mặt trên Công trường Thuỷ điện Quốc gia Đồng Nai 3, thực hiện nhiệm vụ xây dựng hoạt động văn hoá tinh thần hỗ trợ cho lực lượng công nhân đang lao động ngày đêm trên công trường, đồng thời mở ra một hướng chiến dịch mới, trong đó tạo thêm điều kiện cho Sinh viên tiếp cân với thực tế phù hợp với chuyên ngành học của mình.
  7. Năm 2007, sinh viên tình nguyện trường Đại học Mở Tp. Hồ Chí Minh đã có mặt tại Kontum với các xã vùng sâu và nhiều khó khăn, nhiều công trình phần việc đã tạo nên những ấn tượng và giá trị trong việc đóng góp cho sự phát triển của địa phương.           
  8. Năm 2012, một sự chuyển biến mới trong chiến dịch tình nguyện đã ra đời, “Tình nguyện vì cộng đồng, vì xã hội học tập” đã tạo nên những thay đổi lớn về phong trào tình nguyện của sinh viên trường, bên cạnh đó là hoạt động tình nguyện kéo dài xuyên suốt trong năm đã có những thành công được xã hội đánh giá cao như Đội hình tình nguyện trong bệnh viện, từ đây phong trào tình nguyện đi vào chiều sâu của chuyên môn học tập và từng bước thay đổi chuyển hướng cho một mô hình tình nguyện mới.

       Có thể nói, sau 18 mùa Chiến dịch, bước chân Sinh viên trường Đại học Mở Tp.HCM đã có mặt và đi đầu trên những địa bàn xa xôi nhất, khó khăn nhất với một ý chí và quyết tâm cao, một tinh thần hăng hái và một niềm tin đem lại nhưng gì thiết thực nhất, tốt đẹp nhất, góp một phần nhỏ trong việc phát triển chính trị, kinh tế, xã hội của những địa bàn đã đi qua. Hình ảnh của sinh viên trường Đại học Mở tp. Hồ Chí Minh với màu áo xanh tình nguyện đã in sâu vào cuộc sống của nhân dân các địa phương; những bồn lọc nước mini, những sân chơi thiếu nhi, những buổi truyền thanh song ngữ, những nền nhà lót gạch thay cho nền đất, những dàn máy vi tính với những buổi phổ cập tin học...là những dấu ấn sáng tạo, đầy tâm huyết của tuổi trẻ Đại học Mở Tp.HCM. Năm 2003, Đoàn trường vinh dự được công nhận là đơn vị xuất sắc trong 10 năm phong trào thanh niên tình nguyện Tp. Hồ Chí Minh thời kỳ đổi mới, như sự khẳng định giá trị của tinh thần tình nguyện, tinh thần xung kích của tuổi trẻ Đại học Mở Tp.HCM.

 

IV. CÁC THÀNH TÍCH ĐẠT ĐƯỢC:

  1. UBND Tp. Hồ Chí Minh:

Bằng khen UBND Tp.HCM nhân kỷ niệm 10 năm thành lập Đoàn trường năm 2006.

03 Bằng khen UBND Tp.HCM về phong trào nghiên cứu khoa học (2005, 2006, 2007).

Bằng khen UBND Tp.HCM về tập thể Lao động Xuất sắc  năm 2007

Bằng khen UBND Tp.HCM về thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 02 năm liên tục (2009 – 2010, 2010 – 2011) – Số 3365/QĐUB ngày 06/07/2011 – Sổ vàng 07/BK-UB.

 

 Bằng khen UBND Tp. HCM về thành tích trong công tác tổ chức, tham gia đóng góp tích cực hiệu quả cho giải thưởng “Sinh viên nghiên cứu khoa học – Eureka” lần thứ 12 năm 2010 – Số 5640/QĐUB ngày 11/12/2010 – Sồ vàng 06/BK-UB.

Các Giấy chứng nhận của UBND Tp. HCM về khen tặng danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc năm học 2009 – 2010; 2010 – 2011, 2011 – 2012; 2012 – 2013; 2013 - 2014

  1. Bằng khen Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh:

01 Bằng khen Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã có thành tích xuất sắc trong 10 năm tổ chức các phong trào thanh niên tình nguyện thành phố Hồ CHí Minh (1994 – 2003) – Số 571QĐ/TƯD9TN.

01 Bằng khen Trung Ương Đoàn nhân kỷ niệm 10 năm thành lập Đoàn trường năm 2006.

03 Bằng khen Trung Ương Đoàn về Mùa hè xanh 2006, 2007, 2008, 2009 (QĐ số 502 ngày 29/09/2009),

02 Bằng khen Trung Ương Đoàn tháng thanh niên năm 2006, 2007.

 Bằng khen Trung ương Đoàn về Công tác Đoàn và phong trào Thanh niên năm học 2006 – 2007, 2008 – 2009, 2009 – 2010 (QĐ số 248 ngày 21/06/2010), 2010 – 2011 (QĐ số 360 ngày 06/07/2011), 2011 – 2012, 2012 – 2013, 2013 – 2014

01 Bằng khen Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã có thành tích xuất sắc trong 20 năm tổ chức các phong trào thanh niên tình nguyện thành phố Hồ CHí Minh (1994 – 2013) – Số 571QĐ/TƯĐTN.

  1. Giấy khen Thành Đoàn Tp. Hồ Chí Minh:

01 giấy khen Thành Đoàn về Tháng Thanh niên năm 2006 - 2007, 2008 – 2009, 2009 – 2010 (QĐ số 184 ngày 08/04/2010).

01 giấy khen Thành Đoàn về Công tác năm học 2005 – 2006

01 Giấy khen Thành Đoàn về có nhiều đóng góp tích cực và hiệu quả trong cuộc vận động “Tuổi trẻ sáng tạo” giai đoạn 2009 – 2010 (QĐ số 07 ngày 04/01/2011).

01 giấy khen Thành Đoàn tham gia tích cực và hoàn thành xuất sắc các hoạt động tình nguyện hè năm 2011 (QĐ số 339 ngày 23/09/2011).

Giấy khen Thành Đoàn về hoàn thành tốt Tháng Thanh niên 2009 – 2010; 2010 – 2011, 2011 – 2012; 2012 – 2013;

  1. Giấy khen khác:

01 Bằng khen UBND tỉnh Đăk Nông về Mùa hè xanh 2006

02 Bằng khen UBND tỉnh Kon Tum về Mùa hè xanh 2007, 2008

01 Giấy khen của Sở GD - ĐT tỉnh Đăk Nông về Mùa hè xanh 2006.

01 Giấy khen UBND Huyện Đăk Glei về Mùa hè xanh 2008

01 Giấy khen UBND huyện Cần Giờ về Mùa hè xanh 2008

01 Giấy khen BCH Tỉnh Đoàn Kontum về hoàn thành xuất sắc trong Chiến dịch MHX năm 2011 tại xã Đak Tăng, Huyện KonPlong – (QĐ số 416 ngày 27/7/2011).